Thầy Nguyễn Bình Phong bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Khí tượng và Khí hậu học
Ngày 22/6, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện cho nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Bình Phong với đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của địa hình và không khí lạnh đến cấu trúc của bão ở vùng duyên hải Việt Nam”, Ngành: Khí tượng và khí hậu học; Mã số: 9440222.
Hội đồng đánh luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS. Nguyễn Bình Phong đã được thành lập theo Quyết định số 120/QĐ-VKTTVBĐKH, ngày 11 tháng 5 năm 2022, với 7 thành viên gồm: GS. TSKH. Nguyễn Đức Ngữ (Trung tâm Khoa học Công nghệ Khí tượng Thủy văn và Môi trường) là Chủ tịch Hội đồng; TS. Nguyễn Đăng Mậu (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Ủy viên Thư ký; PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Ủy viên phản biện 1; PGS. TS. Trần Quang Đức (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) là Ủy viên phản biện 2; PGS. TS. Nguyễn Viết Lành (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) là Ủy viên phản biện 3; PGS. TS. Nguyễn Bá Thủy (Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia) và TS. Võ Văn Hòa (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ) là Ủy viên.
Một số thông tin về Luận án:
Với Mục tiêu của luận án
- Mô phỏng được ảnh hưởng của địa hình Việt Nam tới cấu trúc đối xứng của bão thời điểm trước và sau khi bão đổ bộ vào vùng duyên hải Việt Nam.
- Đánh giá được ảnh hưởng của không khí lạnh tới cấu trúc các trường trong bão trên Biển Đông.
Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
- Kết quả nghiên cứu của luận án về vai trò của độ cao địa hình, không khí lạnh đến cấu trúc các trường khí tượng trong bão có thể làm cơ sở khoa học để xác định khu vực bão đổ bộ và có mưa lớn, gió mạnh do tác động của địa hình và không khí lạnh;
- Kết quả nghiên cứu góp phần nâng cao sự hiểu biết về ảnh hưởng của độ cao địa hình và không khí lạnh đến cấu trúc bão, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dự báo bão ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực chịu tác động của mưa lớn, gió mạnh giúp phòng tránh và giảm thiểu các tác hại do bão gây ra.
Luận án đã đạt được một số kết quả như sau:
1- Luận án đã xây dựng hệ thống 04 thí nghiệm tăng giảm độ cao địa hình và các sơ đồ ban đầu hóa để cải thiện chất lượng của trường ban đầu, sau đó sử dụng sơ đồ ban đầu hóa tốt nhất để nghiên cứu mô phỏng cấu trúc các cơn bão hoạt động trong điều kiện có tương tác với KKL.
2- Các thí nghiệm về địa hình được thực hiện với 05 cơn bão hoạt động trong điều kiện có tác động của gió mùa mùa đông. Kết quả nghiên cứu cho thấy địa hình có tác động rõ rệt đến cấu trúc các trường khí tượng trong bão, quỹ đạo và cường độ bão. Cụ thể như sau:
3- Khi giảm độ cao địa hình cấu trúc các trường khí tượng trong bão có tính đối xứng hơn so với trường hợp tăng độ cao địa hình.
4- Cường độ bão trong các trường hợp giảm độ cao địa hình lớn hơn so với trường hợp mặc định và tăng độ cao địa hình.
5- Các trường hợp tăng độ cao địa hình, quỹ đạo bão bị lệch lên phía bắc so với quỹ đạo thực tế trong phần lớn các cơn bão, riêng đối với bão Damrey, quỹ đạo bị lệch về phía nam.
6- Nghiên cứu ảnh hưởng của KKL tới cấu trúc bão cho thấy, với trường hợp bão từ Biển Đông đi vào khu vực Miền Trung trong điều kiện chịu tác động của KKL cho thấy:
7- Khi bão tiến gần bờ cấu trúc bão có đặc điểm phi đối xứng mạnh với gió mạnh hơn và đối lưu phát triển mạnh hơn về phía đất liền do hoàn lưu phía tây cơn bão có hướng gió gần trùng với hướng với gió mùa đông bắc dẫn tới cộng hưởng khiến gió mạnh hơn. Ở phía bắc xa tâm bão, mây tăng cường do tăng cường hội tụ ẩm khi hoàn lưu bão tương tác với KKL. Khi bão đổ bộ, gió cực đại mực 10m trong bão phía đất liền yếu hơn nhiều so với tốc độ gió cực đại trên biển do ảnh hưởng mạnh của ma sát bề mặt và sự cuốn hút của không khí có động năng yếu khu vực đất liền vào vùng gần tâm bão.
8- Với trường hợp cơn bão có xu hướng dịch chuyển lên phía bắc trong điều kiện gió mùa mùa đông hoạt động mạnh, bão có tính phi đối xứng mạnh. Khi bão trên biển, vùng gió mạnh hơn nằm ở phía đông do đối lưu khu vực này mạnh giúp mang các phần tử khí có động năng lớn mực thấp lên cao hơn, và gió gradient tăng cường do tương tác giữa hoàn lưu bão với áp cao lạnh lục địa phía bắc cơn bão trong điều kiện ma sát trên biển nhỏ.
9- Khi bão đổ bộ, phần trên đất liền phía bắc nơi có ảnh hưởng mạnh của ma sát trên đất liền có gió mạnh hơn phần trên biển nơi có ảnh hưởng ma sát yếu. Nguyên nhân của sự bất thường này là do sự hoạt động của áp cao lạnh lục địa phía bắc khiến gió gradient mạnh hơn làm tăng cường cho gió phần phía bắc cơn bão.
Sau khi NCS trình bày và trả lời những câu hỏi của phản biện và các câu hỏi khác. Hội đồng đã họp kín và thông qua nghị quyết đã bỏ phiếu đồng ý với 7/7 thành viên trong đó có 2 phiếu đạt suất xắc.