Chuyển tới nội dung

REVIEW NGÀNH KHÍ TƯỢNG - KHÍ HẬU HỌC

28.05.2020

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, khó dự báo nên đã gây ra những thiệt hại to lớn về sức người, sức của. Các nhà khí tượng học đóng một vai trò then chốt trong việc tìm kiếm các giải pháp phòng chống, ứng phó với thiên tai. Theo thống kê của các nhà tuyển dụng, tỉ lệ tăng trưởng việc làm cho kỹ sư khí tượng sẽ khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2018-2028.

Chương trình đào tạo hệ đại học ngành Khí tượng - Khí hậu học của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có thời gian đào tạo là 4 năm với  mục tiêu đào tạo kỹ sư khí tượng – khí hậu học có kiến thức, kĩ năng và thái độ để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn phục vụ nhu cầu xã hội; có khả năng tự học để tự nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập trong giai đoạn mới.

Để đạt được điều đó, chương trình đào tạo của ngành Khí tượng – Khí hậu học được rà soát và cập nhật thường xuyên 2 năm một lần. Đến nay, 5 khóa đại học chính quy đã ra trường đóng góp rất nhiều nhân lực cho ngành Khí tượng Thủy văn cũng như cho các đơn vị: Phòng không-Không quân, Hải quân, Hàng Không dân dụng Việt Nam, Tổng cục Phòng chống thiên tai, ...

 

Nội dung đào tạo cốt lõi của ngành khí tượng và khí hậu học

Hàng ngày, chúng ta thường xem các bản tin dự báo thời tiết trên Đài Truyền hình Việt Nam cũng như Đài Phát thành và Truyền hình các tỉnh, thành phố. Để có được bản tin dự báo thời tiết đó cần có một đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc khắp mọi miền đất nước, từ đo đạc, quan sát, ghi chép và truyền tin các loại số liệu khí tượng mặt đất, trên cao, vệ tinh, radar,… về trung tâm để xử lí, tính toán, phân tích, …

Đội ngũ những người, ở những vị trí khác nhau, cùng góp sức làm nên bản tin dự báo thời tiết đó chính là đội ngũ người làm khí tượng – khí hậu học.

Ngành khí tượng - khí hậu học là ngành học chuyên nghiên cứu về các hiện tượng vật lý xảy ra trong khí quyển như: mưa, sương, sương mù, mù, sương muối, băng, tuyết, gió, dông, bão, vòi rồng, cầu vồng, quầng, tán, ... Nó còn được gọi là ngành vật lý khí quyển.

Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành khí tượng và khí hậu học

Người tốt nghiệp đại học khí tượng - khí hậu học có khả năng làm được những nghề, vị trí việc làm như:

1) Nghiên cứu viên nghiên cứu về khí tượng, khí khí hậu, biến đổi khí hậu, các thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn;

2) Dự báo viên dự báo thời tiết, khí hậu, biến đổi khí hậu và thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn;

3) Kiểm soát viên kiểm soát các loại số liệu khí tượng được thu thập từ các trạm khí tượng trên toàn quốc;

4) Quan trắc viên quan trắc và tổ chức quan trắc các yếu tố khí tượng và hiện tượng khí tượng trong mạng lưới trạm khí tượng toàn quốc;

5) Giảng viên giảng dạy về khí tượng và khí hậu học;

6) Chuyên viên quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn.

Những tố chất cần thiết cho người làm về khí tượng và khí hậu học

Tố chất cần thiết chủ yếu để làm nghề là: (1) Trung thực; (2) Chăm chỉ; (3) Kiên trì; (4) Cầu thị; và (5) Yêu thiên nhiên.

Bài viết khác