Chuyển tới nội dung

REVIEW NGÀNH THỦY VĂN HỌC 

28.05.2020

Ngành Thủy văn là gì?

Thủy văn học là ngành khoa học nghiên cứu về nguồn gốc, sự vận động và phân bổ nước trên trái đất - Từ đó đề xuất được các giải pháp khai thác, bảo vệ nguồn nước cũng như ngăn ngừa các tác hại do nước gây ra.

Tại sao chọn ngành thủy văn?

Nước là nguồn tài nguyên quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế xã hội trên toàn cầu. Nguồn nước cần cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ,… đang ngày càng trở nên khan hiếm không chỉ về lượng mà còn về chất lượng vốn bị xem nhẹ trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở khắp mọi nơi trên trái đất. Theo thống kê của WHO, 2.8 tỷ người trên trái đất đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nước cấp và khả năng tiếp cận nguồn nước sạch. Việt Nam là quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước do khai thác quá ngưỡng cho phép cũng như làm ô nhiễm nguồn nước và khiến chúng không đủ đảm bảo để cấp cho các nhu cầu sử dụng nước khác nhau. Các nhà thủy văn học sẽ đóng vai trò then chốt trong các nghiên cứu về đánh giá và phân bổ nguồn nước, quy hoạch và quản lý chất lượng nước đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Bên cạnh đó, thủy điện chiếm một thị phần lớn trong tổng sản lượng điện quốc gia. Ứớc tính khoảng 30-40% lượng điện cấp trên toàn quốc được cung cấp bởi thủy điện. Nước trở thành nguồn tài nguyên quý giá cho phát triển nguồn năng lượng trong tương lai và vài trò của các nhà thủy văn học trong lĩnh vực này là phải tính toán, quy hoạch được nguồn nước cho phát triển thủy điện cũng như đề xuất được các phương án vận hành các hồ chứa thủy điện đáp ứng nhu cầu sử dụng sử dụng điện nhưng ko làm mất tính bền vững của dòng sông.

Đặc biệt trong bối cảnh biến đối khí hậu hiện nay, thiên tai và dịch họa đang diễn ra thường xuyên hơn, gây nên những thiệt hại nghiệm trọng hơn về người và của. Điều đó đòi hỏi các nhà thủy văn phải đánh giá được các hiểm họa liên quan đến nước, từ đó đề xuất các giải pháp để giảm thiểu tác hại của nước gây ra.

Ngoài ra, sự phát triển đa dạng của các công trình thủy phục vụ phát triển kinh tế xã hội liên vùng như cầu đường giao thông, cảng sông biển, hệ thống cấp và tiêu thoát nước đô thị,… yêu cầu sự góp sức của một lượng lớn các kỹ sư thủy văn trong ngành giao thông và xây dựng.

Theo thống kê trên toàn cầu, tỷ lệ tăng trưởng việc làm cho các kỹ sư thủy văn sẽ khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2018 – 2028, lớn hơn mức tăng trưởng trung bình của các ngành nghề khác trên thế giới. Vì vậy có thể coi Thủy văn học là ngành nghề nhiều tiềm năng và thách thức cho thế hệ trẻ để phát triển một môi trường sống ngày càng tốt đẹp trong tương lai.

Các công việc mà kỹ sư thủy văn có thể làm được các công việc sau:

a. Ngành Khí tượng Thủy văn: Tham gia thiết kế và quản lý mạng lưới trạm; Quan trắc và dự báo Thủy văn;

b. Ngành nước: Tham gia tính toán quy hoạch và quản lý tài nguyên nước/ phân bổ nguồn nước/ chất lượng nước của một khu vực nhất định.

c. Ngành Giao thông: Tham gia tính toán thủy văn phục vụ thiết kế công trình cầu, cống,… qua sông, hồ,… trong giao thông;

d. Ngành Xây dựng: Tham gia thiết kế và vận hành hệ thống cấp, thoát nước của đô thị/tòa nhà;

e. Ngành Thủy lợi: Tham gia thiết kế và vận hành hệ thống tưới, tiêu trong thủy lợi;

f. Lĩnh vực Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai: Tham gia đánh giá, cảnh báo rủi ro thủy tai như lũ lụt, hạn hán, lũ quét, xâm nhập mặn

g. Ngành Năng lượng/Thủy điện: Tham gia tính toán thủy năng phục vụ thiết kế và vận hành nhà máy thủy điện;

h. Ngành Môi trường: Tham gia thiết kế hệ thống xử lý cấp nước, hệ thống xử lý nước thải;

i. Ngành Khoa học trái đất: Tham gia nghiên cứu các thành phần của chu trình thủy văn và sự biến động của chúng theo không gian và thời gian.

Các cơ quan, đơn vị cần nhà thủy văn học bao gồm:

- Các công ty cấp thoát nước của các tỉnh

- Các cơ quan của chính phủ về quản trị tài nguyên nước và môi trường như Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Tổng cục Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi, Tổng cục Phòng chống Thiên Tai, Tổng cục môi trường và các cơ quan dưới quyền ở địa phương.

- Các công ty tư vấn giao thông, thủy lợi, xây dựng, môi trường với nhiệm vụ thiết kế các công trình giao thông (cầu, cống…), xây dựng (cấp thoát, nước), môi trường (bảo tồn đa dạng sinh học, vui chơi giải trí,…)….

- Các tổ chức nghiên cứu và phát triển về đa dạng sinh học và thủy văn, một phần của Môi trường tự nhiên

- Các Ủy ban lưu vực sông và các trung tâm nghiên cứu về nước.

- Các viện và trường đào tạo về thủy văn và các ngành nghề liên quan.

- Cơ hội làm việc với tổ chức quốc tế như ICEM (Úc), DYNAMIC SOLUTION (Mỹ), HASKONING (Hà Lan), DELTA RED (Hà Lan) và rất nhiều các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam đang tuyển các nhà thủy văn học.

Chương trình đại học ngành Thủy văn học của trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội:

Chương trình đào tạo hệ đại học ngành Thủy văn học của trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có thời gian đào tạo là 4 năm với  mục tiêu đào tạo kỹ sư thủy văn học có phẩm chất, trí tuệ, sức lực và trách nhiệm với đất nước; có đủ năng lực, trình độ để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, quản lý trong lĩnh vực liên quan đến thủy văn và nguồn nước; có khả năng tự học, tự nghiên cứu để tự nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cách mạng khoa học công nghệ. Với phương châm coi người học là trung tâm, chương trình đã không ngừng được rà soát, cập nhật, bổ sung các kiến thức mới nhằm mục đích giúp sinh viên sau khi ra trường có khả năng tham gia đa dạng các ngành nghề trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, thủy điện, xây dựng, tài nguyên nước và phòng chống thiên tai,…. Hiện nay, khóa học gồm 132 tín chỉ cung cấp cho người học một nền tảng kiến thức vững chắc về khoa học thủy văn và các kỹ năng trong nghiên cứu, tìm hiểu và phân tích dữ liệu khí tượng, thủy văn và nguồn nước. Các nhóm kiến thức chuyên sâu phục vụ nghiên cứu đa ngành được chú trọng xây dựng như kiến thức về tư vấn thiết kế các công trình hạ tầng cơ sở như cầu, cống, hệ thống cấp thoát nước, các công trình thủy lợi, thủy điện; tính toán và dự báo thủy văn phục vụ quy hoạch và quản lý nguồn nước, vận hành các hệ thống thủy lợi, thủy điện cũng như trong công tác phòng chống thiên tai; nhóm kiến thức về quan trắc, chỉnh lý, biên tập số liệu, … phục vụ công tác điều tra, khảo sát, đo đạc khí tượng thủy văn cũng như địa hình, mặt cắt sông,….

Từ đó, các tân kỹ sư thủy văn của Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ có những kỹ năng cần thiết sau khi ra trường như sau:

  • Kỹ năng phân tích: để phục vụ phân tích dữ liệu thu thập tại hiện trường và kiểm tra kết quả của các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.
  • Kĩ năng giao tiếp: để phục vụ chuẩn bị các báo cáo chi tiết ghi lại các phương pháp nghiên cứu và phát hiện của họ. Họ có thể phải trình bày những phát hiện của mình cho những người không có nền tảng kỹ thuật, chẳng hạn như các quan chức chính phủ hoặc công chúng nói chung.
  • Kỹ năng tư duy phản biện: Có khả năng đánh giá các rủi ro đối với các yêu cầu về nước do ô nhiễm, lũ lụt, hạn hán và các mối đe dọa khác gây ra. Họ phát triển các kế hoạch quản lý nguồn nước để xử lý các mối đe dọa này.

Và chính vì thế, hãy lựa chọn Ngành thủy văn học của trường Đại học tài nguyên và môi trường Hà Nội. Bạn sẽ có cơ hội lựa chọn một loạt các nghề nghiệp thú vị và đầy thách thức của ngày nay và mai sau.