Chuyển tới nội dung

Trường Khí tượng Thủy văn những năm 1990 trong ký ức cựu học viên khóa 27

02.10.2023

Vừa qua, khóa 27 Khí tượng Thủy văn, khóa tập hợp nhiều sinh viên ưu tú của ngành Khí tượng Thủy văn đã tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày ra trường. Đây là khóa học diễn ra trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, nhưng tập thể lãnh đạo, cán bộ Nhà trường và anh chị học viên đã cố gắng vượt qua và đạt nhiều thành tích trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Nhân sự kiện này, Khoa xin gửi tới các cán bộ, anh chị học viên và các em sinh viên những chia sẽ của thầy Trần Quốc Việt, cựu học viên khóa 27 về cuộc sống và những kỷ niệm của thầy về bạn bè, thầy cô cách đây hơn 30 năm. Mong rằng qua những chia sẻ này, các anh chị học viên, các em sinh viên thấy được sự may mắn của bản thân, từ đó xây dựng tinh thần đoàn kết, nỗ lực và cố gắng phát huy năng lực bản thân để cải thiện và nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để chuẩn bị hành trang tốt nhất bước vào nghề sau khi ra trường. 

Có lẽ khoảng thời gian trên giảng đường là khoảng thời gian đẹp đẽ và bình yên nhất của mỗi chúng ta. Với những kỷ niệm sâu đậm và thân thương về ngôi trường Cán bộ Khí tượng Thuỷ văn Sơn Tây, về thầy cô và bạn bè. Đối với tôi, cho đến nay, những năm tháng ấy cùng những ký ức về thầy cô, bạn bè và ngôi trường yêu dấu vẫn còn in đậm mãi trong tâm trí của mình… Nhân sự kiện gặp lại bạn bè, thầy cô dịp kỷ niệm 30 năm ngày ra trường, những kỷ niệm năm xưa lại ùa về, tưởng chừng như mới vừa qua.

Khoá 27 KTTV Kỷ niệm 30 năm ngày ra trường 1993-2023

Tháng 10 năm 1990 chúng tôi vào học tại trường Cán bộ Khí tượng Thuỷ văn Sơn Tây (nay là Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), lúc đó trường đang đóng tại Phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây (cạnh bến xe Sơn Tây), thời kỳ này đất nước đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp từ bao cấp sang cơ chế thị trường nên trường vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Ngôi trường lúc bấy giờ phòng học chỉ là dãy nhà cấp 4, cơ sở vật chất và thiết bị cho dạy học hết sức thiếu thốn.

Trong tôi còn đọng mãi hình ảnh ngày đầu tiên nhập học, từ một cậu học sinh quê mùa nay đến nơi thị tứ nên còn e ngại, ngượng ngùng, thầy mới, bạn mới xiết bao bỡ ngỡ. Nhưng những bở ngỡ dần dần được thay thế bằng sự ấm áp, sum vầy bắt đầu từ các thầy cô phòng giáo vụ nhận hồ sơ làm thủ tục nhập học đến khi bước vào học chính thức. Thế rồi lũ học sinh chúng tôi đã hoà nhập, yêu thương, gắn kết với nhau dưới sự bảo ban, dìu dắt và sâu sát của Nhà trường. 

Tôi nhớ nhất những năm tháng học ở trường là học sinh ngày đó khổ lắmthiếu thốn đủ bề, bên cạnh sự thiếu thốn về vật chất như: Cơm ăn không đủ no, thiếu điện, thiếu nước vào mùa khô. Nhiều bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học bổng thấp nên chi tiêu sinh hoạt phải rè sẻn rất nhiều. Cũng vì cuộc sống quá khó khăn và đói nên nhiều bạn không chịu nổi phải bỏ về giữa chừng. 

Khi viết những dòng này, trong tâm trí tôi lại hiện lên đầy ắp những kỷ niệm xưa. Nhớ nhất là khi chúng tôi học xong học kỳ thứ nhất về nghỉ tết nguyên đán năm 1991, khi về hành trang chúng tôi mang về có bức thư chúc tết của Nhà trường mà thầy Ngô Vinh - nguyên Hiệu trưởng ký gửi cho gia đình ngoài lời chúc tết còn có đoạn: “Nếu như sau Tết nguyên đán mà Nhà trường không lo nổi gạo cho các em để ăn, thì có thể cho các em nghỉ học một kỳ, mong gia đình thông cảm với Nhà trường”. May là sau đó Nhà trường lo được nên chúng tôi vẫn tiếp tục đến trường. Sang đến học kỳ hai của năm đầu chúng tôi vào học kỳ quân sự 12 tuần, lúc này cái đói, cái mệt lại bắt đầu. Những buổi tập các động tác chiến thuật cá nhân, bắn súng, ném lựu đạn thật là mệt mỏi, nhưng cũng vui nhiều. Rồi những đêm báo động, tất cả chúng tôi tập trung nhanh chóng và hành quân đến 20km mọi người đều mệt nhoài khi về tới trường. Rồi những ngày kỷ niệm như 26/3 và 20/11, chúng tôi cũng chẳng có gì ngoài mấy bông hoa, ít bánh kẹo sắp xếp để tổ chức mà thầy trò vẫn cứ vui. Hết năm thứ 2 và sang năm thứ 3, chúng tôi được Nhà trường phân công đi thực tập tại địa phương. Lúc này chúng tôi mới nhận thấy sự vất vả của các cán bộ ngành Khí tượng Thủy văn như nào. Trước tết năm 1993, lúc này các trạm Khí tượng Trường Sa và Song Tử Tây đang thiếu quan trắc viên, bởi vậy các bạn lớp Khí tượng đã xung phong đi đảo, nên đã được đặc cách tốt nghiệp sớm để đi làm nhiệm vụ cao cả như người lính trong thời bình. Đối với những học viên còn lại, chúng tôi tốt nghiệp trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1993. Kể từ đó chúng tôi chia tay nhau sau gần 3 năm học chung trường, chung lớp. Từ đó mỗi người nhận công tác mỗi nơi tại các đài hoặc trạm khí tượng thủy văn trên toàn quốc. Và còn rất nhiều những kỷ niệm đáng nhớ mà tôi không thể viết hết ra đây được. 

Cuộc sống hiện giờ có nhiều đổi thay, những kỷ niệm xưa bây giờ đã trở thành quá khứ. Tuy nhiên, nếu không nhắc lại, thì thế hệ ngày nay khó mà hình dung, cảm thấu được sự hy sinh của các thầy cô, những lớp người đi trước. Chính thế hệ thầy cô và lớp người đi trước đã ươm trồng cây giống, xây nên những viên gạch hồng cho mái trường này. Và các thế hệ học sinh, sinh viên cũng đã trưởng thành, tỏa đi khắp mọi miền, góp phần xây dựng quê hương, Tổ quốc. 

Ba mươi năm qua chúng tôi giờ đây tóc đã điểm bạc, hoa râm và có nhiều bạn cũng đã lên chức ông bà nội ngoại, ông nọ bà kia, có những bạn không theo ngành Khí tượng Thủy văn nữa, nhưng khi gặp nhau vẫn ríu rít với nhau như những ngày còn học chung lớp chung trường. Chúng tôi tự hào được học dưới mái trường ngày ấy, tình bạn trong tập thể khóa 27 KTT?V mãi đọng lại theo thời gian.

Ba mươi năm đã qua đi, khi trở lại thăm trường chúng tôi khó tìm lại được những dấu vết ngày xưa vì trường đã chuyển về địa chỉ mới. Những dãy phòng học cấp 4 lụp xụp, cánh cửa ọp ẹp, thiếu ánh sáng ngày ấy giờ được thay bằng những dãy nhà cao tầng khang trang, sạch đẹp, khuôn viên trường thoáng đãng, sân trườngđược đổ bê tông hoặc lát gạch phẳng lì. Vâng, tôi và chúng tôi biết, qua 30 năm ra trường giờ đây không còn tên Trường Cán bộ Khí tượng Thủy văn nữa mà thay vào đó là Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nơi đào tạo ra những cử nhân, kỹ sư có chất lượng cho Quốc gia nói chung hay ngành Tài nguyên và Môi trường nói riêng. Chỉ tiếc rằng những thầy cô dạy chúng tôi ngày ấy giờ chẳng ai còn dạy ở mái trường này. Các thầy, cô đều đã về hưu cả, mỗi người mỗi nơi, thậm chí có thầy, cô đã đi xa mãi mãi và đã thành người thiên cổ. Xin được mượn những dòng tâm sự này thành kính gửi tới các thầy, cô những lời tri ân sâu sắc. Sự nghiệp đào tạo ngành Khí tượng, Thủy văn mà thế hệ các thầy, cô đã hy sinh, cống hiến trong suốt những năm qua sẽ được các thế hệ học sinh, sinh viên khắc sâu, ghi nhớ. 

Đặc biệt, với những điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, với sự năng động, nhiệt tình, trách nhiệm của tập thể Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, sự tâm huyết yêu nghề của đội ngũ giảng viên trẻ cùng với sự hiếu học của sinh viên hôm nay, chắc chắn Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Khoa Khí tượng Thủy văn sẽ ngày càng phát triển, giành được những thành tích nhiều hơn nữa, cao hơn nữa, trở thành một trong những cơ sở đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho ngành Tài nguyên và Môi trường nói chung hay ngành Khí tượng Thủy văn nói riêng./.


 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH NHỮNG DẤU MỐC KỶ NIỆM VÀ HOẠT ĐỘNG KHOÁ 27 SAU KHI RA TRƯỜNG

Khoá 27 chụp ảnh kỷ niệm với các thầy cô dịp trở lại thăm trường cũ 

tại Sơn Tây năm 2014

Khoá 27 KTTV Kỷ niệm 25 năm ngày ra trường 1993-2018

Khoá 27 KTTV Kỷ niệm 15 năm ngày ra trường 1993-2008 tại Trường Cao đẳng Khí tượng Thủy văn Hà Nội( nay là trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)

 

Trần Quốc Việt 

Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội